Bị cảm lạnh: nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa

Lượt xem: 3457

Vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa khiến rất nhiều người bị cảm lạnh. Chứng bệnh này phần lớn không quá nghiêm trọng nhưng nếu bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần thì cần phải lưu ý. Việc chủ quan để lâu không chữa trị lại có thể dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng. Trong bài viết dưới đây, các chuyên gia sẽ chia sẻ cụ thể về bệnh cảm lạnh, nguyên nhân, dấu hiệu, biểu hiện và cách chữa để các bạn có thể nắm rõ hơn.

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là một loại bệnh nhiễm trùng xảy ra do một loại virus gây ra chủ yếu ở đường hô hấp trên. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến cổ họng, thanh quản và mũi.

Đây là một bệnh lý khá phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng khác nhau, không phân biệt giới tính cũng như tuổi tác. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em, trẻ sơ sinh, người già lại là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh.

Phần lớn khi bị cảm lạnh, mọi người đều khỏi trong vòng từ 7 – 10 ngày, đôi khi một số trường hợp bệnh kéo dài đến tuần thứ 3 tùy vào cơ địa ở từng người. Mặc dù bệnh không được coi là quá nguy hiểm nhưng nó lại gây ra nhiều khó chịu trong sinh hoạt, do đó cần điều trị càng sớm càng tốt khi bị cảm lạnh.

cảm lạnh

Nguyên nhân gây cảm lạnh

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh cảm lạnh bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, cụ thể:

Do virus

Một thống kê cho biết, có đến hơn 200 loại virus có liên quan đến việc gây ra chứng bệnh cảm lạnh mà nhiều người vẫn mắc phải. Trong đó, loại virus phổ biến nhất là Rhinovirus (chiếm đến 80% các trường hợp) gây bệnh cảm lạnh. Ngoài ra, cũng còn một số loại virus khác như virus cúm (chiếm 5%), Enterovirus, Picornaviruses, virus Corona (SARS-CoV-2), Metapneumovirus…

Các loại virus này có thể xâm nhập vào cơ thể người qua mũi, miệng hoặc mắt. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể lây lan qua các giọt bắn khi bạn trò chuyện, hắt hơi, ho. Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, chúng bắt đầu tấn công hệ miễn dịch, sau đó gây ra chứng cảm lạnh.

Ngoài ra, virus gây bệnh cảm lạnh cũng lây nhiễm qua đường không khí qua việc tiếp xúc với bệnh nhân, sử dụng chung các vật dụng cá nhân như điện thoại, khăn tắm, chén, khăn mặt, đũa ăn… Những người có tiếp xúc với người bệnh rồi vô tình chạm vào mũi, miệng, mắt thì cũng rất dễ bị nhiễm bệnh cảm lạnh.

Do thời tiết

Bệnh cảm lạnh cũng thường xuất hiện vào những ngày thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt. Khi đó, hệ thống con người sẽ dễ nhạy cảm hơn, cộng với độ ẩm thấp sẽ khiến virus dễ khuếch tán rộng hơn và tồn tại lâu hơn trong không khí.

Điều này là nguyên nhân khiến cả trẻ em lẫn người già đều bị cảm lạnh, tuy nhiên thì mọi người có thể bị cảm lạnh vào bất cứ thời điểm nào mà không phải do thời tiết chuyển mùa.

Do hệ miễn dịch

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là trẻ em do sức đề kháng không đủ để chống lại sự tấn công của các mầm bệnh từ bên ngoài cũng là đối tượng dễ bị cảm lạnh nhất nếu tiếp xúc với virus gây bệnh.

Do tuổi tác

Ngoài ra, trẻ em dưới 6 tuổi thường dễ bị cảm lạnh cao hơn so với người trưởng thành. Do đó, cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe của trẻ một cách cẩn thận, đầy đủ.

Dấu hiệu biểu hiện nhận biết bị cảm lạnh

Sau khi cơ thể bị nhiễm virus cảm lạnh từ 1 – 3 ngày, người bệnh bắt đầu có những biểu hiện, triệu chứng của bệnh. Theo nghiên cứu, trong khoảng 3 ngày đầu là thời gian dễ làm lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh nhất.

Tùy vào cơ địa của mỗi người, các biểu hiện của bệnh cảm lạnh có thể khác nhau, cụ thể như:

  • Sổ mũi, dịch mũi ban đầu có màu trong nhưng về sau chuyển sang màu vàng, xanh lá cây

  • Viêm họng, đau họng

  • Ho

  • Sốt

  • Nghẹt mũi

  • Cơ thể mệt mỏi, đau nhức

  • Hắt xì hơi

  • Đau đầu nhẹ

  • Có cảm giác khó chịu trong người

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Thông thường, bệnh cảm lạnh sẽ tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày sau đó, đôi khi kéo dài đến tuần thứ 3 là hết. Tuy nhiên, nếu nhận thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm và có thêm một số biểu hiện, triệu chứng nghiêm trọng sau thì cần đi thăm khám bác sĩ ngay:

* Ở người lớn

  • Sốt cao trên 38 độ

  • Sốt nhiều ngày, thường sốt trên 5 ngày không có biểu hiện giảm

  • Thở khò khè, khó thở

  • Đau xoang mặt hoặc trán

  • Đau họng, đau đầu dữ dội

  • Tức ngực

  • Suy nhược, mỏi nhức cơ thể

  • Nôn mửa

  • Choáng váng, thậm chí là bị ngất

* Ở trẻ em

  • Sốt cao trên 38 độ ở trẻ 12 tuần tuổi và trẻ sơ sinh

  • Sốt kéo dài trên 2 ngày ở trẻ với mọi độ tuổi

  • Ho kèm đau đầu không thuyên giảm

  • Buồn ngủ liên tục

  • Chán ăn

  • Thở khò khè, khó thở

  • Đau tai

  • Rối loạn ý thức, người mệt mỏi

  • Các biểu hiện cảm lạnh tăng lên và diễn ra thường xuyên, liên tục

Cách chữa khi bị cảm lạnh

Thông thường, để nắm rõ hơn về tình trạng cảm lạnh của bệnh nhân, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra, thăm khám. Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị cảm lạnh do các nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm, chụp X-quang, sau đó mới đưa ra cách chữa phù hợp.

Sử dụng thuốc

Có khá nhiều cách giúp cải thiện triệu chứng cảm lạnh, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cách chữa cụ thể. Phần lớn các loại thuốc kháng sinh đều không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh cảm lạnh mà chỉ có thể giúp cải thiện các biểu hiện, triệu chứng.

Với những bệnh nhân bị cảm lạnh có biểu hiện đau họng, sốt, đau đầu, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng giảm đau nhẹ. Bệnh nhân khi sử dụng thuốc cần sử dụng theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý, không nên tùy tiện cho trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng có thể sử dụng siro ho, thuốc xịt xông mũi để giúp làm giảm biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên, cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, lối sống cho lành mạnh, phù hợp để giúp làm giảm biểu hiện, dấu hiệu của bệnh, ví dụ:

  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc trong thời gian bị cảm lạnh để giúp thư giãn cơ thể, đồng thời giúp hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác.

  • Bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng, từ đó giúp mau hồi phục.

  • Uống nhiều nước lọc, trà gừng, nước trái cây, nước chanh ấm để giúp kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.

  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi sạch sẽ, đều đặn để giúp làm giảm hiện tượng nghẹt mũi.

  • Có thể sử dụng nước muối để súc miệng nhằm làm dịu cổ họng.

  • Cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong phòng để giúp cải thiện tình trạng bệnh.

  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thêm thảo dược, bổ sung kẽm, vitamin C… tùy vào từng trường hợp.

Bài viết trên đây đã chia sẻ đầy đủ để các bạn nắm rõ hơn về bệnh cảm lạnh cùng các thông tin có liên quan như nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa. Khi có băn khoăn, thắc mắc gì, hãy liên hệ với các chuyên gia qua khung chat trực tuyến để được giải đáp một cách cụ thể.

Cập nhật lần cuối: 11-03-2022 13:44:55

Bị cảm lạnh: nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa
Đánh giá: 8.9 / 10 ( 96 lượt đánh giá )