Mụn trứng cá là gì? nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục chữa trị

Lượt xem: 3241

Mụn trứng cá là một loại bệnh lý da liễu rất phổ biến, đặc biệt là ở những người đang trong độ tuổi dậy thì và có thể kéo dài tới độ tuổi trưởng thành. Vậy mụn trứng cá là gì? Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá là gì? Các triệu chứng biểu hiện và cách khắc phục chữa trị mụn trứng cá như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các vấn đề này nhé.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là tình trạng viêm nhiễm do tắc nghẽn chất nhờn và tế bào chết tại các nang lông từ đó hình thành nên các nốt mụn đỏ, xuất hiện chủ yếu trên mặt và phần thân trên. Mụn ở tình trạng nhẹ sẽ chỉ là một vài nốt nhỏ cộm lên không gây đau đớn, sau đó sẽ phát triển thành các nốt mụn đỏ sưng tấy hoặc nghiêm trọng hơn là mụn bọc mủ rất đau khi chạm vào.

Mụn trứng cá là gì

Hiện nay, mụn trứng cá được chia làm 6 dạng chính như sau:

- Mụn đầu đen: đây là những nốt mụn chứa dầu thừa và tế bào da chết xuất hiện ở trên bề mặt da. Màu đen của mụn là kết quả của việc phản xạ bất thường của ánh sáng tới các nang lông bị bí tắc.

- Mụn đầu trắng: loại mụn này xuất hiện khi vi khuẩn cùng dầu thừa và tế bào chết làm tắc lỗ chân lông và đội da lên, tạo nên đầu trắng và khiến da trở nên sần sùi. Mụn đầu trắng thường không gây viêm nhiễm và khá dễ kiểm soát.

- Mụn sần: đây là những nốt mụn trứng cá bị viêm tạo thành những vết sưng nhỏ màu hồng hoặc đỏ trên da. Loại mụn này rất nhạy cảm nên việc bóp hay nặn mụn có thể khiến tình trạng trở nên tệ hơn dẫn tới sẹo mụn. Khi thấy xuất hiện mụn sần với số lượng lớn, rất có thể da của bạn đang bị mụn trứng cá ở mức độ từ trung bình đến nặng.

- Mụn bọc: loại mụn này hình thành khi nang lông bị vỡ và đẩy bề mặt da lên, hình thành các nốt mụn sưng đỏ có kích thước lớn, nếu bạn sờ vào sẽ thấy đau. Đây là một trong những dạng mụn trứng cá phổ biến nhất.

- Mụn mủ: đây cũng là một loại mụn viêm trên da, xuất hiện với hình dáng một nốt đầu trắng hoặc vàng với viền sưng đỏ xung quanh. Đối với loại mụn này, bạn cần tránh tối đa việc bóp nặn mủ ra, bởi điều này có thể gây ra sẹo hoặc tạo điều kiện cho các đốm đen phát triển khiến tình trạng viêm thêm trầm trọng hơn.

- Mụn dạng nang, mụn bọc: loại mụn này xảy ra khi tình trạng viêm nang lông đã ở mức độ nặng. Mụn bọc có hình dạng như túi kín chứa đầy chất lỏng và mủ, nó có kích thước lớn giống như những hạt đậu nằm dưới bề mặt da.

Nhìn chung, mụn trứng cá là loại bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên lâu dần các nốt mụn sẽ tái phát nhiều lần và để lại những vết thâm hoặc thậm chí là sẹo trên mặt, vai, lưng, ngực làm mất đi sự tự tin của người bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 80 đến 90% thanh niên bị mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau và khoảng một phần ba trong số đó phải sử dụng đến các liệu pháp y học. Tuy nhiên, đôi khi mụn trứng cá vẫn có thể xuất hiện ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ.

Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá

Có rất nhiều nguyên nhân đến từ cả bên trong và bên ngoài cơ thể có thể dẫn tới việc xuất hiện mụn trứng cá trên da, do đó người bệnh cần tìm ra lý do vì sao mình bị mụn để có biện pháp khắc phục và phòng ngừa mụn hiệu quả.

Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về 4 nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá trên da:

- Sự tăng tiết bã nhờn: xảy ra khi chất nhờn được tiết ra quá nhiều, có thể gây nên chứng viêm da tiết bã – một loại viêm khiến da bị bong tróc, đóng vảy tại các khu vực da nhờn như da đầu hoặc bên trong tai.

- Sự tăng sừng: đây là hiện tượng lớp sừng (lớp ngoài cùng của biểu bì) bị dày lên khiến các ống dẫn của tuyến bã nhờn bị bịt kín lại, làm xáo trộn quá trình tiết bã nhờn. Việc tăng sừng cũng sẽ tích tụ các lớp tế bào chết, kết hợp với các bã nhờn tăng lên sẽ làm bít tắc các lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá.

- Quá xâm nhập của vi khuẩn: có một số loại vi khuẩn sống trên da một cách vô hại, tuy nhiên lại xâm nhập vào các nang lông gây tắc nghẽn dẫn tới sự hình thành mụn trứng cá.

- Sự viêm nhiễm: cả 3 hiện tượng kể trên đều có thể dẫn đến tình trạng da bị ửng đỏ và viêm nhiễm. Ở giai đoạn cuối của quá trình viêm nhiễm, các vách nang lông có thể bị vỡ ra và giải phóng các chất béo, axit béo, tế bào chết, vi khuẩn và các mảnh tế bào sang các mô lân cận, tạo thành các vết viêm nhiễm trên diện rộng.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn tới sự xuất hiện của 4 yếu tố trên khiến da gặp tình trạng mụn trứng cá:

Thay đổi hormone trong cơ thể

Khi các bạn đến tuổi dậy thì, lượng hormone sinh dục hay còn gọi là androgen sẽ tăng cao khiến các chất nhờn tiết ra quá nhiều làm bít tắc các lỗ chân lông. Androgen cũng tăng trong quá trình phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, một số loại thuốc tránh thai cũng chứa hoạt chất tương tự như androgen. Tuy nhiên, nếu lượng androgen ở mức thấp có thể khiến làn da phụ nữ bị mụn trứng cá nhiều hơn.

Do sử dụng một số loại thuốc gây mụn trứng cá

Bạn sẽ có tỷ lệ cao bị lên mụn trứng cá nếu đang sử dụng các loại thuốc chứa các chất như lithium, corticosteroid hoặc androgen. Các chất này khi đi vào cơ thể sẽ gây tác dụng phụ là lên mụn cho da nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc trước khi dùng.

Tiền sử gia đình

Yếu tố di truyền cũng tác động rất lớn đến việc hình thành mụn. Nếu cả bố và mẹ đều thường xuyên lên mụn trứng cá thì con cũng có khả năng bị mụn.

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng sữa tách béo hay các thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều đồ ăn nhanh như khoai tây chiên cũng sẽ khiến da bị mẩn đỏ và nổi mụn nhiều hơn. Bên cạnh đó, những thói quen sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi thiếu khoa học như thường xuyên thức quá khuya, ăn đêm, ăn đồ cay nóng cũng khiến rối loạn hormone nội tiết, kích thích sự tăng tiết bã nhờn trên da.

Da tiếp xúc hoặc đè mạnh bởi các vật dụng

Việc để da tiếp xúc với điện thoại, mũ bảo hiểm, đai bảo hiểm, ba lô hoặc mặc quần áo quá chật chội cũng khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào nang lông để gây mụn hơn. Bên cạnh đó, việc đeo khẩu trang liên tục trong khoảng thời gian cũng khiến lỗ chân lông bị bí bách và mụn trứng cá sẽ có điều kiện để phát triển nhiều hơn.

Vệ sinh da kém

Da không sạch sẽ không phải là nguyên nhân chính gây ra mụn, tuy nhiên một làn da bẩn sẽ tạo môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển và gây mụn. Ngoài ra, việc vệ sinh da quá mạnh hoặc làm sạch bằng các loại xà phòng có thành phần tẩy rửa cao, các chất hóa học dễ gây kích ứng có thể khiến mụn trứng cá chuyển biến nặng hơn.

Có tâm lý căng thẳng

Thông thường, việc bị stress sẽ không gây ra mụn. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị mụn thì việc thường xuyên mang tâm lý lo âu căng thẳng cũng có thể khiến tình trạng mụn nặng thêm.

Thường xuyên trang điểm

Việc trang điểm quá thường xuyên có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc gây dị ứng. Bên cạnh đó, da cũng dễ bị kích ứng hơn với các loại mỹ phẩm không phù hợp hoặc kém chất lượng. Ngoài ra, việc tẩy trang không sạch sẽ để lại cặn trang điểm, đây là một yếu tố sẽ thúc đẩy sự hình thành của mụn trứng cá.

Các tác nhân từ môi trường

Những người thường xuyên phải tiếp xúc với các môi trường bụi bẩn, nhiều khói bụi hay có nhiều dầu mỡ cũng khiến da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và tạo nên các nốt mụn trứng cá. Việc thường xuyên hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử cũng tạo một môi trường đầy khói thuốc và các hóa chất gây hại cho da và làm da trở nên xấu hơn.

Triệu chứng của mụn trứng cá

Các triệu chứng của mụn trứng cá thường xuất hiện một cách rất rõ ràng và dễ nhận biết tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm như:

- Mụn đầu trắng tại các lỗ chân lông kín;

- Mụn đầu đen tại các lỗ chân lông mở;

- Các loại mụn đỏ, viêm hay các nốt mẩn đỏ, ửng đỏ;

- Mụn mủ là các mụn đỏ có mủ đầu trắng hoặc vàng;

- Mụn bọc là các nốt mụn mủ to, tạo thành các bọc mủ, sờ vào sẽ thấy cứng và đau;

- Mụn nang là các nốt mụn bọc lớn, đây là các nang lông bị viêm, chứa nhiều mủ và thường rất đau.

Khi gặp phải tình trạng trên rất nhiều người vì khó chịu ngứa ngáy mà nặn các nốt mụn ra, điều này có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, lan rộng nhanh chóng hơn và dễ để lại sẹo xấu trên da. Thay vào đó, bạn cần tham khảo các ý kiến của chuyên gia da liễu để tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp với mình để chữa mụn trứng cá nhanh chóng và dứt điểm.

Cách chữa mụn trứng cá

Các phương pháp điều trị mụn trứng cá sẽ tùy thuộc vào loại mụn cũng như tình trạng nặng nhẹ của mụn như thế nào. Để có cách điều trị an toàn và phù hợp nhất với mình, bạn nên đi khám da liễu để được các bác sĩ tư vấn một hoặc kết hợp nhiều phương pháp giúp điều trị mụn trứng cá hiệu quả.

Cách chữa trị mụn trứng cá

Đối với những người có mụn trứng cá ở mức độ nhẹ như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn đỏ nhỏ có thể tự chữa trị tại nhà bằng cách rửa mặt nhẹ nhàng với nước ấm và sữa rửa mặt có độ pH 5.5 dịu nhẹ cho da, kết hợp bôi các loại kem trị mụn theo chỉ định.

Đa số người bị mụn trứng cá nhẹ có thể tự chữa trị tại nhà, tuy nhiên bạn cần tới các địa chỉ y tế uy tín để thăm khám với bác sĩ ngay nếu gặp các tình trạng sau:

- Tự điều trị mụn tại nhà hơn 3 tháng mà vẫn không có kết quả, thậm chí mụn còn trở nên nghiêm trọng hơn;

- Nổi lên các nốt mụn trứng cá sau khi uống đơn thuốc mới do bác sĩ kê đơn;

- Có các triệu chứng dị ứng sau khi tự điều trị tại nhà như khó thở, khi thở bị đứt quãng, sưng mắt, môi, lưỡi, mặt.

Đối với các tình trạng mụn nặng hơn thì bạn cần nhờ tới bác sĩ can thiệp lấy mủ nếu xuất hiện mụn mủ, mụn bọc. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn các loại kem bôi và thuốc kháng sinh để hỗ trợ việc lấy toàn bộ phần mủ, phục hồi da và tránh để lại sẹo. Một số loại thuốc trị mụn có thể để lại những tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình sử dụng.

Nói chung, việc điều trị mụn cần rất nhiều thời gian và kiên nhẫn từ người bệnh, bên cạnh đó cũng cần các bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Để hỗ trợ quá trình chữa mụn trứng cá và ngăn ngừa mụn tái phát, bạn cần hình thành và duy trì các thói quen sinh hoạt khoa học như:

- Ăn uống lành mạnh đảm bảo đủ chất, thường xuyên tập thể dục và uống ít nhất 1.5 lít nước mỗi ngày.

- Rửa mặt nhẹ nhàng với nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ không quá 2 lần mỗi ngày.

- Có thời gian ngủ và nghỉ ngơi điều độ, đúng giờ để tránh làm rối loạn các hormone.

- Luôn giữ tay sạch sẽ, hạn chế sờ tay lên mặt, đặc biệt là các nốt mụn trứng cá để tránh vi khuẩn từ tay xâm nhập vào da khiến các vết mụn nặng hơn.

- Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm không hợp với da hoặc dễ gây kích ứng, bạn nên sử dụng các loại không chứa cồn hay dầu, và nên thử dùng mỹ phẩm mới lên một vùng da nhỏ trên cổ hoặc cổ tay, sau 24 giờ không thấy có phản ứng bất thường thì mới sử dụng lên mặt.

- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên, tránh để da đặc biệt là các vết mụn tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng. Ngoài ra, bạn cũng cần che chắn vùng da mụn bằng miếng dán mụn hoặc băng cá nhân.

- Không tự ý nặn mụn, không tự lấy mủ hay sử dụng các loại kem bôi trị mụn khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Các bác sĩ sẽ lấy nhân mụn khi cần thiết và kê đơn các loại kem bôi phù hợp với mức độ mụn và cơ địa của bạn.

Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc về vấn đề mụn trứng cá là gì, nguyên nhân triệu chứng và các cách điều trị mụn trứng cá hiệu quả. Mong rằng các kiến thức sức khỏe của chúng tôi giúp ích cho bạn trong cuộc sống.

Cập nhật lần cuối: 21-03-2022 14:52:58

Mụn trứng cá là gì? nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục chữa trị
Đánh giá: 8.8 / 10 ( 33 lượt đánh giá )